ỨNG DỤNG NLP ĐỂ KẾT NỐI VỚI CON CÁI

Trước đây, cậu con trai 14 tuổi thường xuyên chạy đến với tôi mỗi khi có chuyện, từ vấp ngã ngoài sân cho đến những tranh cãi nhỏ với bạn bè. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã khác. Con trai tôi dường như xa cách hơn với tôi và bố nó, chẳng còn muốn chia sẻ điều gì nữa.

Những ngày đầu, tôi nghĩ đó chỉ là giai đoạn nhất thời. Có lẽ con đang bận rộn với việc học, hoặc chỉ muốn có không gian riêng tư hơn. Nhưng càng ngày, con càng tách biệt hơn. Mỗi lần tôi hỏi con có chuyện gì không, con chỉ trả lời cộc lốc: “Không sao đâu mẹ” hoặc tệ hơn, con chỉ gật đầu rồi quay mặt đi, tiếp tục nhìn vào màn hình điện thoại.

Tôi bắt đầu lo lắng, cảm giác như giữa hai mẹ con có một bức tường vô hình, dù tôi cố gắng thế nào cũng không thể vượt qua. Tôi từng nghĩ rằng mình là một người mẹ dễ gần, hiểu con, nhưng giờ đây, tôi không còn biết con đang nghĩ gì hay cảm thấy ra sao nữa.

Có lần, sau khi thấy con trở về nhà với khuôn mặt ủ rũ, tôi quyết định cố gắng hơn. Tôi ngồi xuống bên con và hỏi: “Con có chuyện gì không? Mẹ thấy con không vui” nhưng con chỉ im lặng. Càng thúc ép, con càng khép mình lại, thậm chí có lúc còn nổi cáu: “Mẹ đừng hỏi nữa! Con không muốn nói!”

Tôi cảm thấy bất lực và buồn bã. Làm mẹ, điều duy nhất tôi mong là con có thể chia sẻ mọi thứ với mình. Nhưng khi bình tĩnh, tôi nhận ra rằng có những lúc tôi đã quá vội vàng trong việc yêu cầu con mở lòng mà không cho con không gian riêng cần thiết.

Nhờ NLP, tôi ngỡ ngàng nhận ra giao tiếp với con chưa bao giờ dễ dàng đến thế

Nhớ lại kỹ thuật NLP đã được học, tôi thử ứng dụng để kết nối với con tốt hơn. Đầu tiên, tôi tập trung vào việc lắng nghe chủ động. Khi con nói, dù chỉ là những câu ngắn gọn hay những câu chuyện về trò chơi điện tử, tôi không chỉ nghe mà còn để ý đến tông giọng và biểu cảm của con.

Tôi bắt đầu sử dụng kỹ thuật khung đồng thuận, lặp lại một số từ mà con dùng để con cảm thấy được lắng nghe và hiểu. Nếu con nói “Con cảm thấy áp lực“, tôi sẽ không tự động đáp lại bằng những lời khuyên ngay lập tức. Thay vào đó, tôi sẽ nhẹ nhàng nhắc lại: “Mẹ hiểu, con cảm thấy áp lực”. Điều này giúp con nhận ra tôi thực sự hiểu và đồng cảm với cảm xúc của con.

Tôi cũng sử dụng kỹ thuật đổi khung khi con gặp khó khăn. Chẳng hạn, có lần con rất thất vọng vì điểm kiểm tra thấp. Thay vì chỉ an ủi con bằng những lời quen thuộc như “Không sao đâu, lần sau con sẽ làm tốt hơn”, tôi áp dụng cách nhìn nhận khác. Tôi nói với con: “Điểm số này có thể cho con biết những chỗ cần cải thiện. Mẹ thấy đây là cơ hội để con rèn luyện kỹ năng”. Cách này giúp con nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực hơn và bớt căng thẳng về kết quả.

Một kỹ thuật khác tôi áp dụng là đặt câu hỏi mở để khuyến khích con chia sẻ nhiều hơn. Thay vì hỏi “Con có chuyện gì không?”, tôi bắt đầu hỏi những câu như “Hôm nay ở trường có gì thú vị không?” hoặc “Con cảm thấy thế nào về bài kiểm tra đó?”. Điều này giúp con mở lòng hơn vì những câu hỏi này không đặt con vào thế phòng thủ, mà khuyến khích con bộc lộ suy nghĩ một cách tự nhiên.

Nhờ ứng dụng những kỹ thuật này, tôi nhận ra rằng cách giao tiếp của mình đã thay đổi. Con không còn cảm thấy bị ép buộc phải chia sẻ hay cảm thấy rằng mẹ chỉ đang cố giải quyết vấn đề của con. Tôi đã học cách trao quyền cho con tự tìm giải pháp, bằng cách hỏi những câu như “Con nghĩ mình có thể làm gì để cải thiện lần sau”. Điều này giúp con không chỉ cảm thấy được lắng nghe mà còn phát triển khả năng tự lập và tự tin giải quyết vấn đề của mình.

Kể từ hôm đó, tôi nhận ra rằng, đôi khi sự bướng bỉnh hay im lặng của con không phải là dấu hiệu con không cần mình, mà là cách con tự bảo vệ bản thân. Và việc tôi cần làm là kiên nhẫn, lắng nghe, tôn trọng không gian của con và giao tiếp với con đúng cách. Để rồi con sẵn sàng, con sẽ tự mở lòng./.

Chia sẻ bài viết

Bài viết liên quan